Vĩnh biệt Anh, anh Hoàng Vĩnh Giang
(VoThuat.vn) – PGS. TS Hoàng Vĩnh Giang qua đời hôm 11/9 là mất mát rất lớn với thể thao nước nhà, để lại niềm tiếc thương vô hạn với đồng nghiệp và những thế hệ làm thể thao ở Việt Nam. Tri ân và tưởng nhớ PGS. TS Hoàng Vĩnh Giang, VoThuat.vn xin phép đăng tải lại bài viết đầy cảm xúc của Nhà báo Nguyễn Hồng Thanh.
Anh Hoàng Vĩnh Giang, sinh năm 1946 – Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, cựu kỷ lục gia nhảy cao, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Thể thao Đông Nam Á, Phó Chủ tịch Hội đồng thể thao châu Á, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Olympic Việt Nam, đã tạ thế trưa ngày 11/9/2021. Đây là một tổn thất lớn cho Ngành TDTT Việt Nam.
Anh Hoàng Vĩnh Giang chính là “một nhà chiến lược”, “một con người biết nhìn xa trông rộng”, “kiến trúc sư trưởng” của Thể thao Việt Nam. Anh Giang là người đã gây dựng lại môn Quyền Anh, bóng đá nữ sau một thời gian dài bị cấm; Anh cũng đã mang những môn mới về cho TTVN như Đấu Kiếm, Đua Thuyền, Cử Tạ, Pencak Silat, Wushu, Cầu mây, Bóng Gậy…, nâng tầm các môn Karatedo, Teakwondo, Võ Cổ truyền Việt Nam… Các môn này của Việt Nam đã mang nhiều vinh quang về cho TTVN!
Dấu ấn cá nhân của anh Hoàng Vĩnh Giang trong nền thể thao nước nhà không ít, và nếu không có tư duy thay đổi về cách tiếp cận phải tăng cường hòa nhập cùng thể thao châu lục, đi tắt đón đầu của ông thì thể thao Việt Nam không có cơ hội được phát triển như hiện nay. Sự ra đi của Anh là một nỗi đau của những người làm thể thao, HLV, VĐV thể thao qua nhiều thế hệ ở Việt Nam bởi Anh là một trong những nhà quản lý có tâm và tầm về chuyên môn tạo dấu ấn thật sự với thể thao nước nhà.
Trong hơn 30 năm qua, có lẽ khó kiếm được nhà lãnh đạo thể thao nào lại hội tụ cả tài uy lẫn tâm như anh Hoàng Vĩnh Giang. Nghe tin Anh mất, rất nhiều người trong giới thể thao đều gửi lời chia buồn, bày tỏ tình cảm và sự tiếc nuối, kể lại những kỷ niệm về Anh. Tôi rất may khi còn làm ở báo Thể thao Việt Nam đã có dịp được Anh kéo đi cùng Đỗ Hoá dự những sự kiện bất ngờ manh nha từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Đó là khi anh Hoàng Vĩnh Giang bắt đầu việc khôi phục môn Quyền Anh ở Hà Nội. Chúng tôi cùng võ sư quyền Anh Hoàng Kiềm đã có cuộc đi lại với giới võ lâm thành phố Cảng và đất võ Bình Định để tạo dựng ngày tái xuất của Quyền Anh Việt Nam.
Những lần xuống Hải Phòng tổ chức thi đấu, võ đài Quyền Anh chỉ là những vuông dây thừng quây ngay trên mặt đất! Hay như môn bóng đá nữ, anh Giang đã cùng những tỉnh phía Nam gầy dựng lại. Từ đội bóng đá nữ Hà Nội trở thành nòng cốt của đội tuyển quốc gia nhiều lần vô địch SEA Games và tiến xa đến tận đấu trường ASIAD, châu Á. Hồi tưởng gợi về những ngày nhưng ngày đầu gặp Anh trên sân Hàng Đẫy. Đó là con người có xuất thân từ gia đình danh giá, giống như nhiều tài năng lớn, trời phú cho anh Hoàng Vĩnh Giang sự hào hoa phong nhã, với một cơ thể tràn trề năng lượng, một trí tuệ thông thái và một trái tim đầy yêu thương luôn sẻ chia tình nhân ái chân thật.
Nhớ những lần cả buổi ngồi nghe Anh nói về các lựa chọn những bộ môn thi đấu ở các kỳ Sea Games, để đảm bảo một sự công bằng mà Việt Nam có thể ở trong top 3 dù tổ chức ở quốc gia nào. Hay những lần nhà báo chúng tôi gặp Anh sau các phiên họp của BTC Sea Games cho đến Á vận hội, từ Liên đoàn Karatedo châu Á cho đến Liên đoàn Wushu thế giới, ở đó Hoàng Vĩnh Giang luôn là nhà tổ chức, nhà đàm phán, nhà dàn xếp được nể trọng bởi các đối tác.
Anh không sở hữu bộ sưu tầm những bộ huy chương của nhà vô địch, Anh chỉ giữ kỷ lục nhảy cao quốc gia suốt 32 năm (1964-1996), nhưng Hoàng Vĩnh Giang sở hữu danh sách dài nhiều thế hệ những nhà vô địch do Anh chăm lo đào tạo. Thể thao Việt Nam có được vị thế vượt bậc trong hai thập niên 1990- 2010 là có phần đóng góp rất lớn công sức của Anh. Ở cương vị nào, Anh cũng đều để lại dấu ấn với những quyết định quyết đoán, mang lại hiệu quả cao.
Anh yêu võ thuật, dành nhiều thời gian và tâm lực cho võ thuật. Anh gây dựng Wushu, Đấu Kiếm, Karatedo, Taekwondo, Pencak Silat. Nhưng Anh không bỏ rơi bất cứ bộ môn thể thao hứa hẹn nào khác. Khi là Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, nhưng trong tư cách Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Việt Nam Anh thúc đẩy thể thao phát triển ở mọi tỉnh thành. Điều gì có lợi cho thể thao quốc gia, không phân biệt địa phương thì ông thực hiện bằng được với những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt. Là người đặt dấu mốc quan trọng của thể thao nước nhà trong quá trình hội nhập trở lại với thể thao Đông Nam Á, chủ trương của anh Hoàng Vĩnh Giang là “đi tắt, đón đầu, bằng cách nhanh nhất để đạt thành tích cao nhất”.
Đó là thời gian làm giám đốc sở, ông Giang đã giúp thể thao Hà Nội và Việt Nam đào tạo nên thế hệ VĐV tạo điểm nhấn là bước nhảy vọt giành vị trí nhất toàn đoàn ở SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà, tạo đà vươn tầm ở đấu trường khu vực, châu lục trong những năm sau đó. “Kiến trúc sư trưởng” Hoàng Vính Giang đã đưa nhiều VĐV đi tập huấn ở Trung Quốc và nước ngoài, tạo nên sức bật cho nhiều môn thể thao điển hình như các môn võ thuật, cũng như nhiều môn mũi nhọn như: điền kinh, cầu lông, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, wushu, Taekwondo, judo, vật….
Có nhiều lứa thế hệ với hàng trăm VĐV thành danh nhờ chiến lược đầu tư của anh Hoàng Vĩnh Giang. Nhiều gương mặt ưu tú luôn coi Anh như người cha của họ, đó là những Phương Lan, Thúy Hiền, Duy Kiếm, Thanh Xuân (wushu); Nguyễn Thị Tĩnh, Lan Anh, Chí Đông (điền kinh); Ngân Thương (thể dục) và cả những người thuộc địa phương khác. Nhiều địa phương trong nước đã học theo cách làm của Hà Nội ở lĩnh vực thể thao mà tác giả là Hoàng Vĩnh Giang. Kể từ dấu mốc năm 2003, Thể thao Việt Nam từ nhóm dưới đã vươn lên và chưa bao giờ rớt khỏi tốp 3 của thể thao khu vực.
Công lớn nhờ những tính toán và cách làm bài bản, căn cơ và có chiến lược hoạch định dài hơi trước đó của anh Hoàng Vĩnh Giang trong tầm nhìn dài hạn, hướng mạnh ra quốc tế, cùng những hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế đa dạng, sinh động, hiệu quả khi thể thao Việt Nam tiến công vào đấu trường lớn ở khu vực và Olympic. Trong vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á và Phó Chủ tịch Hội đồng Thể thao châu Á, anh Hoàng Vĩnh Giang có đóng góp rất lớn cho Thể thao Việt Nam nhiều năm qua khi là nhà ngoại giao số 1 của Thể thao Việt Nam. Anh thông thạo 3 ngoại ngữ: Nga, Trung, Anh và hoạt động trên nền vững chắc của văn hóa giao tiếp tuyệt vời với nhiều yếu nhân của thể thao quốc tế.
Có lẽ đây là trường hợp duy nhất của giới quản lý của Thể thao Việt Nam làm được điều này. Việc đưa một số đại hội thể thao về Việt Nam như: SEA Games 2003, Đại hội thể thao châu Á trong nhà 2009, Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016… có công rất lớn của anh Hoàng Vĩnh Giang. Điều mà anh Hoàng Vĩnh Giang cảm thấy tiếc nuối nhất trong sự nghiệp của mình là chưa thể mang sự kiện ASIAD về Việt Nam, dù mọi thứ đã ở rất gần. Năm 2006, anh Hoàng Vĩnh Giang đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vì những thành tích lao động, đóng góp cho ngành thể thao giai đoạn 1996-2005.
Không chỉ thế, 6 năm sau anh Giang được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trao tặng giải thưởng quốc tế vì có nhiều đóng góp vào sự phát triển của phong trào Olympic Việt Nam và phong trào Olympic quốc tế. Ngoài đời, Anh rất cởi mở, sẵn sàng trao đổi với các đồng nghiệp, HLV, VĐV và báo chí. Anh Hoàng Vĩnh Giang từng được cử sang Đại học TDTT Kiev (Liên Xô) học chuyên ngành quản lý thể thao. Anh Giang từng kể: “5 năm dùi mài kinh sử cộng thêm 3 năm nghiên cứu sinh, khi về nước, tôi đã tự nhủ trong lòng phải thiết kế lại cho thể thao Hà Nội nói riêng mà cũng là giúp cho thể thao Việt Nam nói chung lộ trình tiến ra khu vực và châu lục”.
Và Anh đã thực hiện được lời tâm huyết đó. Khi học xong, hành trang mà Anh mang về nước là mấy container, nhưng không phải hàng hóa mà là các dụng cụ dành cho luyện tập võ thuật như lưỡi kiếm, mặt nạ, hình nộm, trang phục chuyên dụng và rất nhiều tài liệu thể thao, sách để giảng dạy các môn thể thao như võ, vật, điền kinh, đấu kiếm, judo, boxing… Đây là những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của thể thao đỉnh cao Việt Nam sau này. “Tôi luôn mong mỏi thể thao nước nhà luôn vững ở tốp đầu của khu vực Đông Nam Á, còn trước hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á thì chúng ta cũng không bao giờ thua kém.
Khi SEA Games quay trở lại Việt Nam vào năm 2021, tôi tin chúng ta một lần nữa khiến bạn bè quốc tế biết được thể thao của mình phát triển và mạnh mẽ như thế nào”, Anh Giang chia sẻ. Cả cuộc đời anh Hoàng Vĩnh Giang đã cống hiến cho sự phát triển của thể thao Việt Nam. Bằng tài năng và nhân cách của một nhà tổ chức thể thao xuất sắc, Anh đã trở thành huyền thoại của Thể thao Việt Nam.
Thật không tin được rằng, trong những ngày tới, vào thời điểm mà con thuyền Thể thao Việt Nam từ dòng sông lớn sắp đổ ra biển cả, lại sẽ thiếu đi sự góp mặt của Hoàng Vĩnh Giang ! Một đời tài hoa khép lại, để lại dấu ấn đậm nét với Thể thao Việt Nam. Cả cuộc đời anh Hoàng Vĩnh Giang đã cống hiến cho sự phát triển của Thể thao Việt Nam. Đến khi qua đời, cây đại thụ ấy vẫn còn nhiều giấc mơ dang dở… Vĩnh biệt Anh, Anh Hoàng Vĩnh Giang! Lễ tang Anh Hoàng Vĩnh Giang tổ chức vào hồi 7h15 ngày 28/9/2021 tại Nhà tang lễ Quốc gia, 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. An táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Kỳ Sơn, Hoà Bình.
Nhà báo Nguyễn Hồng Thanh
XEM THÊM: https://theothao24h.info/
Bài viết Vĩnh biệt Anh, anh Hoàng Vĩnh Giang đã xuất hiện đầu tiên vào ngày THETHAO24H.INFO.
from THETHAO24H.INFO https://theothao24h.info/vinh-biet-anh-anh-hoang-vinh-giang/
Nhận xét
Đăng nhận xét